Thu mua mía niên vụ 2015-2016: Cần cân bằng lợi ích giữa nhà máy và nông dân

Vì cho rằng các nhà máy đường khác thu mua mía với giá cao hơn nên thời gian qua, người trồng mía ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh đã đưa mía ra ngoài tỉnh tiêu thụ, gây thất thoát nguyên liệu của các nhà máy đường.

 

 

Từ đầu tháng 3 đến nay, tại các vùng trồng mía của huyện Sơn Hòa, thương lái từ các tỉnh khác tràn về tranh nhau mua mía với các nhà máy đường của địa phương. Theo Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Công ty KCP), từ đầu vụ đến nay, tại vùng nguyên liệu của nhà máy đã có hơn 50.000 tấn mía bị tư thương mua và chuyển đến các nhà máy đường ngoài tỉnh tiêu thụ. Trong khi đó, từ đầu vụ, Công ty KCP đã bỏ ra không ít vốn đầu tư cho người trồng mía, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng bà con vẫn ngang nhiên phá vỡ hợp đồng.

 

Theo những hộ dân trồng mía ở huyện Sơn Hòa thì nguyên nhân chính dẫn đến việc bà con phải bán mía ra ngoài tỉnh là do Công ty KCP thu mua mía quá chậm. Hiện nhiều diện tích mía đã bị trễ từ 1-2 tháng nên cây mía bị khô, giảm năng suất và dễ bị cháy trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay. Ông Hoàng Phạm Thành ở thôn Phú Hữu, xã Suối Bạc, cho hay: Đầu vụ mía, gia đình tôi có ký hợp đồng bán mía cho Công ty KCP với diện tích 1,4ha, sản lượng dự kiến khoảng 130 tấn. Trong đó, hai đám mía được xuống giống từ ngày 8/3 và ngày 27/3, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa phát phiếu để tôi đốn mía. Hiện rẫy mía hơn 2 sào xuống giống từ ngày 8/3 đến nay đã trễ thu hoạch hơn một tháng, mía đang bị khô ráp, năng suất giảm đáng kể. Trong khi đó, hơn 0,5ha mía còn lại mà gia đình tôi không hợp đồng với Công ty KCP thì đã thu hoạch xong và bán hết cho tư thương đưa lên Gia Lai tiêu thụ. Cũng theo ông Thành, mọi năm, khi Công ty KCP thu mua mía kịp thời thì diện tích mía ngoài hợp đồng cũng được ông ưu tiên bán hết cho công ty này.

 

Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng ở huyện Sơn Hòa, nói: Hơn 6 sào mía của gia đình tôi đã trễ hơn 2 tháng; cả rẫy mía bị khô ráp, nhưng đến giờ mới có phiếu đốn nên sản lượng chẳng còn được bao nhiêu. Không chỉ vậy, mía thu hoạch muộn còn ảnh hưởng đến việc lưu gốc cho vụ tới vì mía bị khô quá mức sẽ không thể đẻ nhánh.

 

Theo ông Lê Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bạc, xã này có gần 1.200ha mía, trong đó diện tích mía có hợp đồng cung ứng cho Công ty KCP khoảng 900ha. Đến nay, tổng diện tích mía đã thu hoạch khoảng 700ha. Thời gian gần đây, trên địa bàn xã xảy ra tình trạng nông dân bán mía ra ngoài tỉnh. Khi phát hiện, địa phương đã vận động người dân tuân thủ theo hợp đồng đã ký với Công ty KCP. Chúng tôi cũng đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn 10 trường hợp chuẩn bị đưa mía ra ngoài tỉnh. Địa phương còn kiến nghị lên UBND huyện, đề nghị can thiệp với Công ty KCP để tăng tiến độ thu mua, ưu tiên cho những diện tích mía bị trễ vụ.

 

Nông dân huyện Sông Hinh thu hoạch mía - Ảnh: T.TIÊN

 

BẤT BÌNH GIÁ MÍA

 

Nhiều ngày nay, tại huyện Sông Hinh, tình trạng bán mía ra khỏi vùng nguyên liệu cũng đang rộ lên. Giám đốc phụ trách nguyên liệu và vận tải thuộc Công ty CP Mía đường Tuy Hòa Nguyễn Đình Chiến cho biết: Đến nay, lượng mía nông dân huyện Sông Hinh bán ra ngoài tỉnh khoảng 30.000 tấn, riêng xã Ea Ly khoảng 15.000 tấn. Mía được đưa lên Gia Lai, Đắk Lắk tiêu thụ là chủ yếu.

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự chênh lệch khá cao về giá thu mua giữa Nhà máy đường Tuy Hòa (Công ty CP Mía đường Tuy Hòa) với thương lái bên ngoài. Bà Võ Thị Mỹ Lệ ở thôn 2 Tháng 4, xã Ea Ly, bức xúc bày tỏ: Vụ mía này, gia đình tôi trồng được 8,3ha, trong đó có 5ha theo hợp đồng với Nhà máy đường Tuy Hòa. Bình quân giá mía bán về cho nhà máy từ đầu vụ đến nay chỉ từ 900.000-950.000 đồng/tấn (đã trừ tạp chất và tính chữ đường). Mỗi tấn mía tôi phải mất 50.000 đồng tiền “bo” cho xe vận chuyển (để tài xế đưa xe vào ruộng bốc mía thay vì phải trung chuyển ra đường). Trong khi đó, nếu chúng tôi bán ra ngoài thì tư thương mua xô (không tính chữ, cũng không trừ tạp chất) với giá từ 1-1,12 triệu đồng/tấn. Bình quân, mỗi xe mía (30 tấn), nếu bán về Nhà máy đường Tuy Hòa chúng tôi bị thiệt 3 triệu đồng so với bán ra ngoài.

 

Còn ông Trần Văn Tuấn ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly thì cho hay: Chúng tôi đồng ý để Nhà máy đường Tuy Hòa đầu tư đầu vụ cho nông dân nên phải ưu tiên bán về nhà máy. Nhưng nếu giá thu mua mía chênh lệch trong mức vừa phải (khoảng 1 triệu đồng/xe) thì bà con còn chấp nhận được. Nhưng hiện tại, sự chênh lệch quá cao, nhà máy lại không giải quyết thỏa đáng cho dân nên chúng tôi buộc phải bán bớt mía ra ngoài.

 

Ngoài giá, nhiều nông dân huyện Sông Hinh còn rất bức xúc về cách trừ tạp chất và tính chữ đường. Ông Võ Đình Huy ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly, cho biết: Vụ mía này, gia đình tôi trồng được 12,5ha (7ha mía lưu gốc và 5,5ha mía tơ), tất cả đều trồng giống mía KK3. Đây là giống mía mới cho năng suất và chữ đường cao. Nhưng từ đầu vụ đến nay, 23 xe mía tôi bán về Nhà máy đường Tuy Hòa chỉ có 3 xe được tính chữ đường 9,65; còn lại chỉ đo được từ 9-9,3 chữ đường. Như vậy, bình quân mỗi tấn tôi chỉ bán được khoảng 920.000 đồng. Trong khi đó, vừa rồi tôi bán ra ngoài 3 xe mía được thương lái thu với giá từ 1,02 triệu đồng/tấn.

 

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, huyện này có hơn 4.000ha mía, tập trung ở xã Ea Ly. Phần lớn người trồng mía của huyện có hợp đồng bán mía cho Nhà máy đường Tuy Hòa. Vừa qua, vì giá đường tăng cao, nên có xảy ra tình trạng cạnh tranh thu mua mía giữa các nhà máy đường trong khu vực, dẫn đến việc nhiều người phá vỡ hợp đồng.

 

CẦN “TIẾNG NÓI” CHUNG

 

Trước thực trạng mía “chảy” ra ngoài tỉnh, các địa phương, nhà máy đường ở Phú Yên đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế việc này, trong đó, ưu tiên cân bằng lợi ích giữa đôi bên.

 

Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, cho biết: Toàn huyện có khoảng 13.100ha mía. Từ cuối tháng 12/2015, Công ty KCP bắt đầu mua mía nhưng tốc độ thu hơi chậm nên một số diện tích mía bị trễ vụ. Trong khi đó, nhiều thương lái từ tỉnh ngoài tràn vào cạnh tranh nên một số hộ dân đã bán mía ra ngoài tỉnh. Huyện đang vận động người dân không nên bán mía ra ngoài, phải thực hiện đúng hợp đồng với Công ty KCP. Đồng thời, địa phương cũng đã đề nghị Công ty KCP tăng cường thu mua mía, đặc biệt ưu tiên những diện tích mía bị trễ vụ.

 

Hiện công suất của Nhà máy đường KCP Sơn Hòa là 7.000 tấn mía/ngày, trong đó, nhà máy đã ưu tiên thu mua khoảng 6.000 tấn mía tại vùng nguyên liệu thuộc huyện Sơn Hòa. Dự kiến đến cuối tháng 4/2016, công suất nhà máy sẽ đạt 8.000 tấn/ngày. Nguyên nhân chính dẫn đến việc thu mua mía không kịp thời khiến một số diện tích mía bị trễ vụ là do nông dân xuống giống đồng loạt nên mía chín đại trà, công suất nhà máy không đủ đáp ứng. Trong khi đó, từ đầu vụ đến nay, nhà máy đã phải ưu tiên thu mua trước hơn 10.000 tấn mía cháy cho bà con. Điều này cũng làm lịch thu mua bị chậm lại. Để giải quyết vấn đề này, những năm gần đây, khi bắt đầu vào vụ sản xuất, nhà máy có chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho nông dân để bà con trồng mía rải vụ khi xuống giống. Nhà máy cũng đang khẩn trương nâng công suất ép cho vụ sau lên 10.000 tấn/ngày, để đáp ứng kịp thời việc thu hoạch khi vào chính vụ. Ngoài ra, nhà máy cũng đề nghị bà con thực hiện trồng rải vụ để tránh mía chín đại trà, vượt quá công suất ép của nhà máy, gây nên tình trạng mía bị trễ vụ. Đồng thời, bà con nên xem xét về lợi ích lâu dài bởi tư thương bên ngoài vào thu mua mía cho nông dân được giá cao hơn vì họ không phải chi trả những khoản đầu tư cho vùng nguyên liệu. Việc thu mua chỉ xảy ra khi giá đường tăng cao như lúc này. Trong khi đó, vào những vụ mùa như năm trước, giá đường hạ thấp thì không có thương lái nào đến mua. Tất cả mía đều do Công ty KCP thu mua.

 

Còn tại Sông Hinh, vừa qua, UBND huyện này đã tổ chức đối thoại giữa Nhà máy đường Tuy Hòa với người trồng mía. Qua đó, người dân đã bày tỏ bức xúc của mình. Nhà máy đường Tuy Hòa cũng trình bày những khó khăn, nguyên tắc chung của đơn vị… Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định cho biết: Huyện đề nghị Nhà máy đường Tuy Hòa phải dừng việc thu mua mía (thời điểm đầu vụ) thuộc vùng nguyên liệu của các nhà máy đường lân cận; đồng thời ký cam kết không tranh mua nguyên liệu với các nhà máy khác. Nhà máy đường Tuy Hòa phải cân đối giá mua mía đảm bảo lợi ích giữa đôi bên, có vậy mới ổn định được vùng nguyên liệu… Huyện Sông Hinh cũng đề nghị người trồng mía nếu có bức xúc về giá cả, việc thu mua mía thì nhanh chóng phản ánh đến UBND huyện để địa phương làm việc với nhà máy. Huyện cũng đề nghị bà con phải xem xét lợi ích về lâu dài khi mía được bao tiêu và đầu tư từ nhà máy. Đừng vì lợi ích trước mắt mà phá vỡ hợp đồng, làm thiệt hại đến lợi ích ổn định và lâu dài về sau. Ngoài ra, để tránh tiêu cực trong việc trung chuyển mía, người dân nên tự giác chuyển mía đến đúng vị trí quy định hoặc các gia đình có xe tải, liên kết lại để tự thu hoạch mía cho nhau.

 http://mayepmiasieusach.vn/

CƠ SỞ SẢN XUẤT MÁY ÉP NƯỚC MÍA SIÊU SẠCH BẮC VIỆT

VĂN PHÒNG ĐIỀU HÀNH

Địa chỉ: : 559 Minh Khai - Hai Bà Trưng-Hà Nội

Điện thoại: 04. 3999.5.333 - 04.3998.5002 - Fax: 04.3632.0190  (8h00-21h00)
Email : thietbinhahangbacviet@gmail.com
Skype : thietbinhahangbacviet 

Website : www.mayepmiasieusach.vn

Quản lý: Chính Hữu- 0977.545.888
Sales manager : Tạ Thủy0902.586.111 
Zalo - Viber - WhatsApp - Facebook : 0977.545.888

Mọi ý kiến khách hàng là động lực giúp chúng tôi hoàn thiện mình

Bài viết mới nhất: